Sốc khi phát hiện con nói tục, chửi thề

22/12/2024
|
0 lượt xem
Đời Sống Tổ Ấm
Sốc khi phát hiện con nói tục, chửi thề

Tin nhắn kèm ảnh chụp màn hình các đoạn hội thoại trên nhóm lớp khiến người đàn ông ở quận Hoàng Mai, Hà Nội không thể không tin. "Con vào năm học mới được một tháng, mà hầu như tin nhắn nào cũng đệm từ tục", anh Bảo, 40 tuổi, kể.

Chiều đó anh tan làm sớm đến trường đón con. Ông bố thêm một lần choáng váng khi thấy từng tốp học sinh mặc đồng phục thoải mái văng tục trước cổng trường. Con gái anh đi cùng nhóm bạn và cũng nói với nhau bằng những câu tục tĩu "một cách trơn tru".

Anh Bảo cố kìm nén. Tối đó, hai vợ chồng mở cuộc nói chuyện nghiêm túc với con. Thay vì nhận lỗi, cô bé chống chế "nếu con không nói thế các bạn không chơi với con".

Vợ chồng chị Nguyễn Trang và các con năm 2022. Ảnh: Gia đình cung cấp

Chị Nguyễn Trang, một phụ huynh ở quận 7, TP HCM, cũng trải qua cú sốc tương tự khi con trai lớp 4 lần đầu nói tục. Đến lớp 6, tình trạng nghiêm trọng hơn khi "phong trào chửi thề lan rộng khắp lớp như một loại virus". Ban đầu, con chị chỉ dùng vài từ tục tiếng Anh, nhưng sau chuyển sang những câu nói rất bậy, thậm chí liên quan đến sex. "Thằng bé đệm từ tục liên hồi mỗi khi nói chuyện, ngay cả khi nói chuyện với em gái", chị Trang, 42 tuổi, nói.

Bà mẹ giải thích với con rằng "chửi thề có thể giải tỏa tức giận" nhưng chỉ nên làm điều đó trong phòng kín và tốt nhất không nên nói. "Nhưng có lẽ lý thuyết đạo đức không tác dụng bằng một hình phạt cụ thể", chị nói thêm.

Sau này chị đổi sang phương pháp "cấm chơi". Cứ nghe con chửi thề là cấm không được chơi với những người bạn thân với lý do sẽ làm hư bạn. Thậm chí có lúc chị phải kết hợp với các phụ huynh khác cùng nhau dọa các con. Nhưng cách này cũng chỉ giảm ở nhà, còn khi đi với nhau tụi nhỏ vẫn "chửi như hát hay".

"Tôi cảm thấy bất lực", bà mẹ nói.

Thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội) cho biết qua quan sát và theo dõi ông nhận thấy mức độ nói tục, chửi thề của học sinh hiện nay đang tăng cao đến mức báo động. Nhiều học sinh nói tục một cách tự nhiên, thậm chí còn ngạc nhiên khi bị người lớn nhắc nhở.

Trên không gian mạng, đặc biệt là các nhóm kín, những câu nói tục, chửi thề dày đặc trong cuộc trò chuyện của học sinh. Hiện tượng học sinh nói tục trước mặt thầy cô, phụ huynh cũng có xu hướng gia tăng.

"Nếu người lớn dành chút thời gian đứng ở cổng trường hoặc các quán nước gần trường mới thấy vấn nạn này nhức nhối, thậm chí học sinh nữ cũng nói tục, chửi thề tràn lan", thầy Tùng nói.

Gần 30 năm kinh nghiệm làm việc với trẻ em, tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương thừa nhận nói tục đang trở thành một vấn nạn. "Gần như 100% trẻ đều nói tục, chỉ khác nhau về mức độ," bà Hương nhận xét. Không chỉ học sinh cấp ba, ngay cả trẻ cấp hai và cấp một cũng sử dụng ngôn ngữ này.

Chuyên gia lý giải một phần nguyên nhân đến từ sự đơn điệu trong cuộc sống của trẻ. "Chúng không nhàn rỗi theo nghĩa đen mà cuộc sống quá tẻ nhạt, chỉ xoay quanh việc đi học và về nhà, nên trẻ nói tục như cách để làm cuộc sống của mình thú vị hơn".

Ngoài ra, môi trường xung quanh như gia đình, hàng xóm và ảnh hưởng từ mạng xã hội cũng tác động mạnh mẽ.

Hiện nay, nhiều trường học đang triển khai các biện pháp nhằm loại bỏ tình trạng nói tục. Thầy Tùng cho biết hệ thống trường Lômônôxốp (Hà Nội) thường xuyên tổ chức các chuyên đề "Không nói lời thiếu văn hóa" và "Quy tắc ứng xử" nhằm lan tỏa phong cách ứng xử thanh lịch, văn minh.

Nhà trường đã thành lập đội đội "camera an ninh", theo dõi hành vi của học sinh, bao gồm cả lời nói trên mạng xã hội. Những em vi phạm đều bị giáo dục và kỷ luật nghiêm.

Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hương, Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, trẻ em nói tục chỉ đơn giản là bắt chước. "Bọn trẻ là cục sắt, chưa có chính kiến. Mạng xã hội, các thế hệ đi trước là thỏi nam châm hút trẻ", bà Hương nói.

Nhìn từ tâm lý trẻ em, bà Hương thấy có ba lý do chính trẻ nói tục. Đầu tiên đó như một cách thể hiện mình "ngầu". Nhiều khi trẻ nói từ tục nhưng không hiểu nghĩa, chỉ biết có thể khiến người khác bị xúc phạm hoặc tổn thương. Trường hợp này cha mẹ nên giải thích cho con từ đó xấu như thế nào.

Thứ hai, chửi thề, nói tục như một cách để trẻ hòa nhập với nhau. Cha mẹ có thể hướng dẫn con các cách khác để con được hòa nhập ở trường. Có thể không thực tế hoặc sẽ khiến con bị cô lập khi phải chấm dứt hoàn toàn việc nói tục, vì vậy có cho phép con dùng những từ ít xúc phạm hơn trong những tình huống nhất định.

Nếu trẻ chửi thề do tức giận, thất vọng, bạn có thể giúp con gọi tên cảm xúc của mình và diễn đạt bằng các từ ngữ phù hợp. "Điều quan trọng là tìm ra lý do đằng sau hành vi của trẻ và giúp con hiểu rằng không cần dùng từ ngữ thô tục để được chấp nhận", bà Hương kết luận.

Lên lớp 7, con chị Nguyễn Trang có thầy giáo chủ nhiệm dạy Văn rất hòa đồng với học sinh, nhưng vẫn có giới hạn, chỉnh các con từng lời ăn tiếng nói. Trong lớp thầy "nuôi heo đất", ai nói bậy phạt 10.000 đồng hoặc trực nhật một tuần. Có những lần con bị phạt, nhưng chị Trang không cho tiền đóng. Qua hai lần phải trực nhật suốt một tuần khiến cậu thiếu niên dần "biết sợ".

Chị Trang nhận ra con thay đổi tật xấu từng ngày. Có lần tổ của con họp nhóm tại nhà mình, có bạn nói một từ tục tiếng Anh là mấy bạn khác liền nhắc "Mày vừa vừa nói từ gì? Tao nghe rồi nha". Con trai chị cũng hùa vào trêu bạn đó.

"Giờ con bảo ở lớp hiếm bạn nói bậy, nên lỡ buột miệng là thấy kỳ cục", bà mẹ chia sẻ.

Riêng vợ chồng anh Bảo vừa đe nẹt, vừa cắt nghĩa một số từ tục con thường sử dụng, đồng thời giám sát con kỹ hơn. Dù vậy, người cha cho biết vẫn không lý giải được sao ngày xưa hàng xóm, thậm chí của bố mẹ vẫn thường buột miệng nói tục lúc nóng giận, nhưng anh và các em mình lại không bị ảnh hưởng.

"Giờ môi trường gia đình văn minh, các con cũng được dạy bảo đến nơi đến chốn hơn, sao lại nói tục nhiều hơn?", người cha trăn trở.

Phan Dương - Mai Chi

Tin liên quan
Tin Nổi bật