Những thói quen làm tăng nguy cơ bệnh tiêu hóa khi giao mùa

15/12/2024
|
0 lượt xem
Bệnh Đường Tiêu Hóa Các Bệnh Sức Khỏe Tiêu Hóa
Những thói quen làm tăng nguy cơ bệnh tiêu hóa khi giao mùa

Giao mùa là thời điểm thời tiết thay đổi thất thường, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển, dễ phát sinh các bệnh đường tiêu hóa. Hệ tiêu hóa khỏe giúp hệ thống miễn dịch hoạt động tốt, có thể ngăn ngừa nhiễm trùng. Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chỉ ra một số thói quen xấu góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Ăn thực phẩm để qua đêm

Dù nhiệt độ hạ xuống khi giao mùa song không nên để thức ăn còn lại qua đêm hoặc không bảo quản đúng cách. Nhiệt độ và độ ẩm thay đổi dễ làm thức ăn nhanh hỏng do vi khuẩn và vi sinh vật phát triển. Ăn thực phẩm để qua đêm có thể xảy ra các vấn đề về đường tiêu hóa như đau bụng, đầy bụng, nặng hơn có thể bị buồn nôn, tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm. Nên bảo quản đúng cách trong tủ lạnh ở nhiệt độ phù hợp, chỉ nên chế biến lượng vừa đủ dùng.

Không uống đủ nước

Vào mùa này thời tiết mát mẻ hơn nên nhiều người ít uống nước hơn mùa hè. Song cơ thể không được cung cấp đủ nước làm giảm hoạt động của đường ruột, tăng nguy cơ táo bón, đầy bụng.

Uống đủ nước hỗ trợ cơ thể phân hủy thức ăn, hấp thụ chất dinh dưỡng dễ dàng hơn. Nước giúp quá trình tiêu hóa nhanh hơn, ngăn ngừa táo bón. Mọi người nên uống đủ nước, ngay cả khi không thấy khát, có thể uống nước với ăn trái cây như dưa hấu, cam, bưởi để bổ sung thêm vitamin, tăng lợi khuẩn cho đường ruột.

Ít vận động

Lười vận động làm chậm quá trình chuyển hóa thức ăn, tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu hóa như táo bón, đầy bụng, khó tiêu... Người trưởng thành nên chọn bài tập phù hợp với thời tiết hoặc thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng tại nhà. Vận động thường xuyên như đi bộ nhẹ nhàng, tập yoga hỗ trợ thúc đẩy nhu động ruột ổn định, tiêu hóa tốt hơn sau khi dùng bữa.

Bác sĩ Khanh tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Ăn nhiều đồ chiên rán, uống rượu bia

Dùng nhiều thức ăn chiên rán, hầm, thịt đỏ... làm tăng nguy cơ đầy bụng, trào ngược dạ dày thực quản, viêm ruột... Bác sĩ Khanh khuyên mọi người nên ăn uống cân bằng dinh dưỡng, nhất là khi thời tiết thay đổi. Ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau và đậu để nhu động ruột hoạt động đều đặn, giảm nguy cơ táo bón. Có thể bổ sung thực phẩm chứa men vi sinh vào chế độ ăn hàng ngày. Men vi sinh là vi khuẩn tốt hỗ trợ đường ruột khỏe mạnh, thường có trong sữa chua, dưa cải bắp...

Rượu, bia này làm tăng tiết axit dạ dày, gây kích thích niêm mạc dạ dày. Thường xuyên uống rượu bia dễ dẫn đến viêm loét dạ dày, trào ngược axit...

Căng thẳng

Căng thẳng ảnh hưởng đến tiêu hóa. Bởi não tác động trực tiếp đến dạ dày, đại tràng gây đau tức vùng thượng vị (trên rốn) và đau thắt ruột do rối loạn co bóp đại tràng.

Bác sĩ Khanh cho biết đường tiêu hóa được điều khiển bởi hệ thống phức tạp gồm khoảng hàng trăm triệu tế bào thần kinh, có thể xen là "bộ não thứ hai". Cảm xúc căng thẳng gây ra phản ứng hóa học, vật lý trong cơ thể dẫn đến đau dạ dày, đau đại tràng và khó chịu. Tránh căng thẳng ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là hệ tiêu hóa bằng cách vận động thể lực thường xuyên như bơi, đạp xe, chạy bộ, đi bộ hoặc chơi thể thao, tập yoga, đảm bảo ngủ đủ giấc...

Các triệu chứng thông thường của đường tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, táo bón, buồn nôn, ợ hơi, ợ chua... có thể cải thiện sau 1-2 tuần khi điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt. Nếu các triệu chứng vẫn tiến triển, tăng nặng kèm phân có máu, phân đen, sụt cân không rõ nguyên nhân, người bệnh nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tiêu hóa để được khám, điều trị kịp thời khi phát hiện bệnh.

Lục Bảo

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật