Lý do Ukraine khó chấp nhận 'nhượng đất lấy hòa bình'

01/12/2024
|
0 lượt xem
Thế Giới Tư Liệu
Lý do Ukraine khó chấp nhận 'nhượng đất lấy hòa bình'

Khi lực lượng Nga tiếp tục đà tiến quân ở vùng Donbass, miền đông Ukraine, áp lực ngày càng gia tăng đối với Kiev. Nga đầu tháng này đã kiểm soát thành trì Ugledar của Ukraine ở tỉnh Donetsk.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 9 đến Mỹ để trình bày "kế hoạch chiến thắng" với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Phó tổng thống Kamala Harris và ứng viên Cộng hòa Donald Trump. Nội dung của kế hoạch vẫn được giữ kín và kết quả của chuyến công du vẫn chưa rõ ràng. Ukraine đang rơi vào tình trạng bấp bênh về an ninh, khi sự chú ý với cuộc chiến giảm dần vì xung đột kéo dài và tình hình leo thang ở Trung Đông.

JD Vance, phó tướng của Trump, hồi tháng 9 nêu ra tầm nhìn cho xung đột Ukraine, có thể bao gồm việc thiết lập "khu phi quân sự" tại ranh giới giữa những vùng hai bên đang kiểm soát hiện nay. Ý tưởng này đồng nghĩa Ukraine sẽ không giành lại phần lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát.

Cách tiếp cận này rất khác so với chính quyền Biden, tập trung vào việc cùng đồng minh cung cấp hỗ trợ quân sự giúp Ukraine đẩy lùi quân Nga. Bà Harris đã ám chỉ ông Trump khi nói trong cuộc gặp với Zelensky: "Có một số người ở đất nước chúng tôi muốn buộc Ukraine phải từ bỏ phần lãnh thổ có chủ quyền của họ".

Bất kỳ thỏa thuận "nhượng đất lấy hòa bình" nào cũng sẽ định đoạt số phận của vùng Donbass, nơi đã chìm trong xung đột và ly khai từ cách đây 10 năm. Nga hiện kiểm soát 80% diện tích khu vực này, cụ thể là 98,5% Lugansk và 60% Donetsk. Các cuộc thăm dò cho thấy đa số người Ukraine không chấp nhận từ bỏ đất đai, đặc biệt là binh sĩ ở Donbass, trong đó có những người đã chiến đấu suốt 10 năm qua.

"Không ai ở đây ủng hộ ý tưởng đó, vì vùng đất này thấm máu của chúng tôi", Veronika, quân y 23 tuổi ở Sloviansk, tỉnh Donetsk, nói. Cô đã chạy trốn cùng gia đình khỏi thành phố Donetsk từ năm 2014, thời điểm phe ly khai do Nga hậu thuẫn kiểm soát khu vực.

Binh sĩ Ukraine điều khiển xe quân sự trên đường phố Donbass, miền đông đất nước, hồi tháng 6/2022. Ảnh: AFP

Cuộc thăm dò của Viện Xã hội học quốc tế Kiev hồi tháng 5 cho thấy 1/3 người Ukraine chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ nếu điều này có thể giúp nhanh chóng chấm dứt xung đột, bảo vệ nền độc lập của Ukraine. Trong khi đó, hơn một nửa số người được hỏi bác bỏ ý tưởng này.

Cuộc thăm dò hồi tháng 6 của Quỹ Carnegie vì Hòa bình chỉ ra gần 50% người Ukraine ủng hộ đàm phán với Nga, nhưng con số này giảm mạnh nếu phải bao gồm điều kiện nhượng bộ lãnh thổ. 2/3 số người tham gia khảo sát bác bỏ thỏa thuận giữ nguyên tiền tuyến hiện tại và 86% không tin Nga sẽ dừng tấn công sau khi ký thỏa thuận.

Dù chỉ 7% người tham gia khảo sát nói sẽ tham gia một phong trào biểu tình vũ trang để phản đối bất kỳ nhượng bộ lãnh thổ nào, con số này tăng gấp đôi nếu chỉ tính riêng kết quả khảo sát các binh sĩ và cựu binh.

Tổng thống Putin nhiều lần tuyên bố Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine. Hồi tháng 8, ông Zelensky cho rằng "không có lý do" để đàm phán, khi Nga kiên quyết yêu cầu Ukraine nhượng bộ lãnh thổ.

Những vùng Nga kiểm soát ở vùng Donbass và miền nam Ukraine. Đồ họa: WP

Pasha, chỉ huy nhóm máy bay không người lái (UAV), cho rằng mất Donbass sẽ là "thảm họa" và không có gì đảm bảo xung đột sẽ hoàn toàn chấm dứt.

Nhiều binh sĩ cho rằng đàm phán sẽ không đạt hiệu quả. Họ đã chứng kiến thất bại của thỏa thuận Minsk, thỏa thuận năm 2024-2015 nhằm kết thúc xung đột giữa quân chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai vùng Donbass.

Natalia Bredova, 38 tuổi ở Sloviansk, biết quá rõ cái giá phải trả của cuộc chiến. Con trai 20 tuổi Volodymyr của bà đã thiệt mạng khi chiến đấu ở Avdeevka hồi tháng 3. Chồng bà cũng đang phục vụ trong quân đội.

"Quá nhiều người đàn ông đã chết vì cuộc chiến này. Đã quá muộn để nói về những cuộc đàm phán. Họ là ánh sáng của đất nước chúng tôi. Chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu", bà nói.

Trước đây, một số người Ukraine từng cảm thấy Donbass là khu vực tách biệt của đất nước và có thể từ bỏ. Tuy nhiên, sau khi Nga phát động cuộc chiến năm 2022, nhiều người thay đổi quan điểm.

"Tất cả đều là lãnh thổ của chúng tôi", Yegor Firsov, nhà lập pháp 35 tuổi đại diện cho khu vực Donetsk trước xung đột và hiện chiến đấu tại tiền tuyến, nói.

Vitaliy Barabash, người đứng đầu chính quyền quân sự Avdeevka ở Donetsk, đã chiến đấu với lực lượng ly khai thân Nga từ năm 2014. Nga cuối cùng đã kiểm soát thành phố từ hồi đầu năm. "Tôi đã ở trong quân đội từ năm 2014, tôi hiểu cảm giác mất lãnh thổ là như thế nào. Nó giống như mất đi tay chân vậy", ông nói.

Barabash đã biến mất trong ba ngày sau khi Nga kiểm soát thành phố. "Tôi cần ở một mình. Ngay cả người thân của tôi cũng biết không thể liên lạc với tôi. Tôi đã cảm thấy rất tồi tệ", ông kể.

Trong những ngày đó, Barabash thường đến trường bắn hoặc chạy xe quanh Dnipro để giải tỏa căng thẳng. Ông không tin Tổng thống Zelensky sẽ ký một thỏa thuận hòa bình mà phải từ bỏ Donbass.

"Hầu hết mọi người đều hy vọng chúng tôi sẽ trở lại Avdeevka. Họ sẵn sàng sống trong lều và tái thiết thành phố này", ông nói.

Thùy Lâm (Theo Washington Post, TASS, AFP)

Tin liên quan
Tin Nổi bật