'Kiểm soát quyền lực để giảm gánh nặng cho người duyệt dự án'

24/12/2024
|
0 lượt xem
Kinh Doanh Vĩ Mô
'Kiểm soát quyền lực để giảm gánh nặng cho người duyệt dự án'

Theo quy định hiện hành (Luật Đầu tư công 2019), các dự án quan trọng quốc gia có vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng; dự án nhóm A, B, C được phân loại theo tính chất quan trọng, tổng mức đầu tư và theo từng lĩnh vực cụ thể. Trong đó, nhóm C có mức đầu tư đến 120 tỷ đồng; nhóm B tối đa 2.300 tỷ và nhóm A có vốn trên 2.300 tỷ đồng.

Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đang trình Quốc hội đề xuất quy mô vốn của dự án quan trọng quốc gia và nhóm A, B, C đều tăng. Trong đó, tiêu chí vốn để xác định dự án quan trọng quốc gia tăng 3 lần, còn các dự án nhóm A, B, C tăng 2 lần.

Cùng với đó, dự thảo quy định thẩm quyền HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do địa phương quản lý, có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên. Chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B và C do địa phương quản lý (luật hiện hành là HĐND các cấp quyết định).

Như vậy, đề xuất mới giữ nguyên thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A, nhưng với nhóm B, C đã chuyển trách nhiệm từ HĐND cho Chủ tịch UBND.

Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: Media Quốc hội

Giáo sư Hoàng Văn Cường, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, đề nghị cân nhắc việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư này.

Theo ông, khi trình HĐND, dự án buộc phải chuẩn bị kỹ hơn. Việc lấy ý kiến của nhiều cơ quan ban ngành sẽ mất thời gian hơn là trình thẳng cho Chủ tịch phê duyệt. "Đây là bước cần thiết, đảm bảo quá trình đánh giá, xem xét và chuẩn bị tốt hơn cho dự án. Đồng thời giúp triển khai thuận lợi và mang lại hiệu quả", Giáo sư Cường nói.

Nguyên phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho rằng HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư là một cơ chế "kiểm soát quyền lực", tạo sự độc lập giữa cơ quan quyết định chủ trương với người phê duyệt, tránh nguy cơ sai phạm, giảm gánh nặng trách nhiệm cho người duyệt dự án. Khi xem xét chủ trương đầu tư, đại biểu HĐND cũng sẽ quyết định luôn những cơ chế để giải quyết các vướng mắc, giúp cho dự án được triển khai thuận lợi hơn.

Ông Cường đề nghị dự thảo bổ sung điều khoản cho phép HĐND các cấp được quyết định những giải pháp đặc thù, phù hợp với thực tế của địa phương và yêu cầu riêng của từng dự án.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy đồng tình, cho rằng việc quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nên giao cho hai cơ quan khác nhau để đảm bảo yêu cầu giám sát và kiểm soát quyền lực.

HĐND quyết định chủ trương đầu tư với các dự án đầu tư công, bởi đây là nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, thay mặt người dân quyết định việc sử dụng ngân sách và thực hiện quyền giám sát.

Đại biểu Thủy cũng không đồng ý với nhận định "đưa ra HĐND sẽ kéo dài thời gian" bởi đã có nhiều giải pháp khắc phục vấn đề này. Tại Hà Nội, bà nói từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND thành phố tổ chức khoảng 20 kỳ họp (bình quân 6 kỳ họp một năm. Khi UBND đề nghị, HĐND đều chủ động bố trí lịch họp trong thời gian sớm nhất có thể để thực hiện các thẩm quyền theo quy định.

Theo đề xuất trong dự thảo Luật, tiêu chí phân loại dự án nhóm B, C theo tổng mức đầu tư cũng có "độ giãn rất lớn", từ dưới 90 tỷ đến tận 4.600 tỷ đồng với một dự án tùy lĩnh vực. Do đó, đại biểu Thủy cho rằng HĐND hoàn toàn có thể giao UBND quyết định chủ trương trong một số lĩnh vực phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển, khả năng tài chính của địa phương như Luật hiện hành.

"Quy định như vậy để các địa phương chủ động, linh hoạt trong điều hành là hợp lý hơn so với việc giao toàn bộ thẩm quyền này cho UBND", Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu quan điểm.

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình sáng 6/11. Ảnh: Media Quốc hội

Giải trình, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói những chính sách lớn của dự thảo là thay đổi tư duy xây dựng pháp luật. "Trước đây, chúng ta chỉ tập trung vào quản lý, giờ phải vừa quản lý vừa kiến tạo cho phát triển", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Quy định pháp luật phải tạo động lực, không gian mới và khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực cho phát triển đất nước. Bộ trưởng Dũng cho rằng phải chuyển từ phương thức "tiền kiểm sang hậu kiểm" và đẩy mạnh phân cấp phân quyền.

Dẫn kinh nghiệm Trung Quốc, ông nói một tỉnh làm được 3.000 km trong 3 năm. Kinh nghiệm của họ là phân cấp mạnh cho địa phương, dám vay và lập các công ty nhà nước để làm các dự án hạ tầng giao thông. Sau khi đầu tư xong sẽ chuyển cho tư nhân khai thác và thu hồi vốn.

"Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tập trung giữ vai trò kiểm soát, kiến tạo, hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư, đơn giản thủ tục hành chính, giảm xin cho, quyền anh quyền tôi và đùn đẩy, né tránh", ông nói.

Về ý kiến không đồng tình phân cấp HĐND sang UBND quyết định chủ trương đầu tư với dự án nhóm B và C, ông Dũng cho hay luật cho phép trong trường hợp cần thiết, HĐND có thể giao cho UBND và thực tế đã có 43 tỉnh thực hiện. Qua lấy ý kiến, 63 địa phương đều đồng ý với chính sách này.

Dẫu vậy, ông Dũng cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu kỹ xem phân cấp cho UBND hay giữ nguyên như hiện nay, sau đó báo cáo Chính phủ và Quốc hội.

Hoài Thu - Sơn Hà

Tin liên quan
Tin Nổi bật