Cơ tim phì đại là tình trạng tâm thất trái, phải hoặc toàn bộ cơ tim, mỏm tim bị phì đại bất thường. Ngày 22/11, ThS.BS Dương Công Lĩnh, khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết đốt cồn vách liên thất là thủ thuật xâm lấn tối thiểu để điều trị bệnh cơ tim phì đại có tắc nghẽn. Bác sĩ đưa ống thông từ động mạch đùi và động mạch quay tới buồng tim và động mạch chủ, đo chỉ số chênh áp lúc này là 60 mmHg. Điều đó chứng minh có tình trạng tắc nghẽn dòng máu từ thất trái đi ra ngoài động mạch chủ.
Êkíp xác định vách liên thất thứ nhất chi phối cho cơ tim phì đại thông qua chụp buồng tim. Sau đó, bác sĩ đưa cồn 98% vào nhánh vách liên thất thứ nhất nhằm chặn cấp máu cho vùng cơ tim bị phì đại. Cồn làm cho vùng mô ngừng co bóp và mỏng đi, từ đó máu có thể dễ dàng bơm ra khỏi tim. Đây không phải phương pháp mới, hiện một số trung tâm can thiệp tim mạch lớn ở Việt Nam đang triển khai, đòi hỏi bác sĩ giàu kinh nghiệm, tránh biến chứng như thủng vách liên thấp, rối loạn nhịp tim khi can thiệp.
Hình chênh áp thất trái và động mạch chủ trước đốt vách liên thất bằng cồn (trái) và tình trạng cải thiện sau khi thực hiện thủ thuật (phải). Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bà Mai có tiền sử tăng huyết áp, suy tim, hẹp nhẹ van động mạch chủ. Nhiều tháng nay bà khó thở, uống thuốc điều trị các bệnh nay nhưng không bớt. Cơ tim phì đại gây tắc nghẽn đường ra thất trái, cản trở buồng tim tống máu. Theo bác sĩ Lĩnh, đây là nguyên nhân chính khiến bà Mai khó thở. Nếu không điều trị cơ tim phì đại, người bệnh có nguy cơ đột tử, rối loạn nhịp tim, suy tim tiến triển, hở van hai lá...
Cơ tim phì đại không tắc nghẽn có thể điều trị bằng thuốc, phẫu thuật. Bà Mai lớn tuổi, chỉ nặng 38 kg, kèm theo nhiều bệnh nền nên không thể chịu được cuộc mổ lớn. Bác sĩ điều trị cho bà Mai bằng cách đốt cồn vách liên thất với xâm lấn tối thiểu, thời gian hồi phục nhanh, tránh biến chứng. Ngay sau can thiệp, bệnh nhân giảm khó thở tức ngực, có thể đi lại nhẹ nhàng. Bà xuất viện sau ba ngày.
Bác sĩ Lĩnh khám cho người bệnh sau can thiệp. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Cơ tim phì đại thường gặp ở người dưới 35 tuổi hoặc vận động viên, ít xuất hiện ở người lớn tuổi, hiếm gặp ở trẻ em. Bệnh có thể do di truyền, gây ra bởi các đột biến gene trong cơ thể. Do đó, khi một thành viên trong gia đình được chẩn đoán mắc bệnh có kiểu gene dương tính, các thành viên khác nên thực hiện xét nghiệm, kiểm tra gene. Người bệnh có dấu hiệu như đau ngực, khó thở khi gắng sức, kịch phát về đêm, mệt mỏi, nhịp tim bất thường, chóng mặt, ngất, sưng mắt cá chân... nên đi khám ngay.
Ly Nguyễn
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp