Bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa vùng 3 Hồ Chí Minh, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết như trên trong bối cảnh sởi dịch chuyển sang nhóm trẻ lớn, xuất hiện ổ dịch người lớn tại TP HCM. Trong vùng dịch, ba nhóm người dưới đây có nguy cơ nhiễm cao, cần tăng phòng bệnh.
Người lớn chưa có miễn dịch
Bệnh có tính chất lây lan nhanh và mạnh qua đường hô hấp, người chưa có miễn dịch chắc chắn nhiễm khi tiếp xúc nguồn lây. Trong đó, người lớn chưa có miễn dịch cũng nguy cơ cao nhiễm bệnh.
Triệu chứng bệnh sởi ở người lớn thường khó phát hiện, dễ nhầm lẫn với dị ứng, viêm đường hô hấp. Bệnh hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng và kết hợp dinh dưỡng. Phụ nữ mang thai, người bệnh nền, sởi dễ trở nặng, biến chứng.
Nốt đỏ phát ban ở người mắc bệnh sởi. Ảnh: Vecteezy
Nghiên cứu công bố hồi tháng 5 trên Tạp chí Y học Việt Nam, thực hiện trên 294 bệnh nhân 24-35 tuổi nhiễm sởi, nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM từ tháng 10/2018 đến tháng 5/2020. Kết quả, bệnh nhân thường sốt cao, phát ban và ho dữ dội, 3/4 có men gan tăng cao, gần 1/3 số bệnh nhân gặp biến chứng, bao gồm viêm phế quản (57,6%) và viêm phổi (27,2%).
Tại Bệnh viện Bạch Mai, trong tháng 5/2019 ghi nhận 70 ca mắc sởi độ tuổi 25-35, hầu hết bệnh nhân đều chưa tiêm phòng vaccine sởi. Nhiều người gặp biến chứng viêm đường hô hấp, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, biến chứng viêm não, viêm màng não nặng.
Trẻ 6-17 tuổi
Trẻ em ở nhóm tuổi này thường sinh hoạt ở trường học, các nhóm lớp và các hoạt động đông người như dã ngoại, câu lạc bộ. Khi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine, trẻ dễ mắc sởi nếu tiếp xúc nguồn lây. Tại TP HCM, vùng có dịch, số ca mắc cũng đang tăng nhanh ở nhóm 11-17 tuổi sau khi phủ vaccine sởi cho nhóm 1-10 tuổi.
Tương tự nhóm dưới 5 tuổi, trẻ 6-17 tuổi có thể gặp biến chứng tiêu chảy, nôn mửa, viêm phổi, viêm não... khi không được điều trị kịp thời hoặc có bệnh mạn tính, miễn dịch suy giảm.
Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM (HCDC), từ tháng 5-8, địa bàn thành phố ghi nhận 432 trường hợp mắc sởi ở 22 quận huyện, TP Thủ Đức, trong đó 74% là trẻ dưới 5 tuổi.
Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh dễ diễn tiến nặng khi mắc bệnh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến chứng thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 30 tuổi. Trong đó, trẻ em bị suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A hoặc suy giảm hệ thống miễn dịch do mắc HIV... nguy cơ biến chứng cao. Ngoài ra, sau khi mắc sởi, trẻ dễ phát triển còi cọc, chậm lớn do sởi làm suy yếu hệ thống miễn dịch, mất kháng thể chống các mầm bệnh khác.
Người lớn tiêm vaccine sởi tại VNVC. Ảnh: Nhật Linh
Theo bác sĩ Phong, sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tiêm vaccine là cách phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay đối với trẻ nhỏ, người lớn, đặc biệt người chưa mắc sởi, người mắc các bệnh mạn tính, có hệ miễn dịch suy yếu.
Hiện Việt Nam có các loại vaccine phòng sởi gồm mũi sởi đơn (MVVAC-Việt Nam), mũi phòng sởi - rubella (MRVAC-Việt Nam) và mũi sởi - quai bị - rubella (Priorix - Bỉ và MMR II - Mỹ), tiêm cho trẻ từ 9 tháng hoặc 12 tháng. Khi có dịch, phác đồ tiêm có thể thay đổi, chủng ngừa hai mũi cách nhau một tháng cho trẻ từ một tuổi trở lên. Hiệu quả của vaccine sởi lên đến 98% khi tiêm đủ ít nhất hai mũi.
Người lớn chưa tiêm hoặc không nhớ lịch sử chủng ngừa, cần tiêm hai mũi vaccine. Để ngừa bệnh trong thai kỳ, nữ giới cần chủ động tiêm ngừa trước khi mang thai tốt nhất ba tháng.
Ngoài ra, người dân cần hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, mang khẩu trang khi đến nơi đông người, rửa tay thường xuyên, giữa nhà cửa thông thoáng, uống đủ nước, ăn đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin A cho trẻ nhỏ... để giúp cơ thể có đề kháng tốt hơn.
Diệu Thuần
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.