6 lưu ý để có giấc ngủ trưa chất lượng

09/11/2024
|
0 lượt xem
Bài Học Sống Đời Sống
6 lưu ý để có giấc ngủ trưa chất lượng

Một giấc ngủ trưa, dù rất ngắn, cũng có thể cải thiện năng lượng và tâm trạng, giúp bạn tỉnh táo hoàn toàn. Giáo sư tại Đại học Cornell (Mỹ) James Maas đã dành 48 năm nghiên cứu về giấc ngủ cho biết ngủ trưa là cách dễ dàng và hữu ích nhất để nhanh chóng tăng cường sự tỉnh táo, khả năng tập trung, năng suất, sự sáng tạo và tâm trạng của bạn.

Nhưng để có một giấc ngủ trưa chất lượng, bạn nên lưu ý 6 điểm sau đây.

Đừng ngủ quá muộn

Không có khung thời gian ngủ trưa lý tưởng cho tất cả mọi người, nhưng có nhiều cách để tìm ra thời điểm tốt nhất trong ngày để ngủ trưa.

Bác sĩ chuyên về y học hành vi về giấc ngủ Karin Voelker của tổ chức Rise Science (Mỹ) cho biết một giấc ngủ ngắn có thể được so sánh với một món khai vị và một giấc ngủ dài như một bữa ăn đầy đủ. Vì lý do này, bạn nên tránh ngủ trưa trong vòng 8 giờ trước khi đi ngủ tối. Ví dụ, nếu bạn định đi ngủ trước 11 giờ tối, bạn không nên ngủ trưa muộn hơn 3 giờ chiều.

Thông thường, chúng ta có xu hướng cảm thấy buồn ngủ nhất vào đầu giờ chiều, trong thời gian nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể giảm xuống. Vì vậy, một giấc ngủ ngắn vào thời điểm đó có thể không ảnh hưởng đáng kể đến lịch ngủ đêm.

Chuẩn bị sẵn sàng cho giấc ngủ

Tiến sĩ Chris Winter, chuyên về y học giấc ngủ và thần kinh học, nhắc mọi người nên chuẩn bị môi trường ngủ tốt nhất, tức là đủ mát mẻ, yên tĩnh và tối. Cần cố gắng nằm ngang, duỗi chân tay thoải mái. Bạn có thể đeo tấm che mắt để dễ ngủ hơn. Ngoài ra, đeo tấm che mắt còn giúp cải thiện trí nhớ, giảm sợ hãi và lo lắng. Bạn có thể kết hợp với nút tai để giảm tiếng ồn xung quanh.

Đừng cố ngủ

Việc tiếp cận giấc ngủ trưa với mục tiêu nghỉ ngơi sẽ hữu ích hơn là tạo áp lực buộc bản thân phải ngủ. Nếu bạn ngủ được thì tốt, còn không, chỉ nằm nghỉ ngơi cũng có lợi.

Trong trường hợp bạn mất nhiều hơn 15 phút để đi vào giấc ngủ trưa, có lẽ bạn không có nhu cầu ngủ cao hoặc bạn thực sự không buồn ngủ. Việc cố gắng dỗ giấc ngủ sẽ càng làm bạn mệt mỏi, ảnh hưởng tới giấc ngủ buổi tối.

Hãy giữ giấc ngủ ngắn

Giải pháp để tránh tình trạng uể oải là ngủ ngắn, lý tưởng nhất là nửa giờ hoặc ít hơn. Tiến sĩ Voelker giải thích, cảm giác uể oải khi thức dậy được gọi là quán tính giấc ngủ. Chúng ta có thể trải qua cảm giác này nếu ngủ quá sâu.

Nhất quán thói quen ngủ trưa

Một số người chỉ cần ngủ trưa vào những ngày đặc biệt uể oải, thư giãn trong kỳ nghỉ hoặc sau một đêm mất ngủ. Tuy nhiên, nếu bạn là người ngủ trưa thường xuyên, các chuyên gia khuyên bạn nên tạo thói quen ngủ trưa. Việc có một lịch trình ngủ trưa sẽ có ích cho não bộ hơn là chỉ ngủ bất cứ khi nào có thể. Điều này có xu hướng giảm thiểu tình trạng trì trệ giấc ngủ mà một số người cảm thấy khi ngủ trưa. Nếu có thể, nên ngủ trưa vào cùng một thời điểm mỗi ngày, với thời gian kết thúc giấc ngủ trưa gần như cùng một lúc.

Vận động nhẹ nhàng sau khi ngủ trưa

Cũng giống như việc thức dậy vào buổi sáng và tắm nắng, tắm rửa, tập thể dục hoặc nghe nhạc, bạn có thể cân nhắc các hoạt động đơn giản sau khi ngủ trưa. Điều này giúp bạn có thể quay lại các hoạt động buổi chiều, cho dù đó là công việc chính hay các nhiệm vụ như đón con, đi chơi.

Các chuyên gia khuyên bạn nên sử dụng báo thức, làm cho căn phòng sáng trở lại và sau đó vận động một chút.

Thùy Linh (Theo Yahoo Life)

Tin liên quan
Tin Nổi bật