Đau đầu căng cơ hay căng thẳng là những cơn đau chủ yếu ở hai bên đầu, không đau nhói, cường độ đau trung bình. Người bệnh thường có cảm giác đau âm ỉ như bị bóp, ép hoặc siết chặt quanh đầu. Bệnh có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, giới tính nhưng tỷ lệ mắc ở nữ thường cao hơn nam.
BS.CKI Trần Thanh Thúy, chuyên khoa Thần kinh, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hiện nguyên nhân gây đau đầu do căng cơ vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, người thường xuyên ngồi lâu một tư thế, làm công việc áp lực, căng thẳng, ở trong không gian chật hẹp thiếu oxy, trầm cảm, có nguy cơ cao hơn.
Người bệnh nghi ngờ đau đầu do căng cơ nên khám tại bệnh viện có chuyên khoa Thần kinh để được bác sĩ chẩn đoán chính xác. Bác sĩ Thúy lưu ý triệu chứng đau đầu do căng cơ dễ nhầm với đau đầu do nguyên nhân khác, để lâu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Người bệnh tránh lạm dụng thuốc giảm đau hoặc tự ý sử dụng thuốc điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Tùy trường hợp, bác sĩ có thể áp dụng một số biện pháp để điều trị, kiểm soát tình trạng này.
Kích thích từ trường xuyên sọ: Đây là phương pháp điều trị không xâm lấn bằng cách tạo ra từ trường đủ mạnh và ngắn hạn có thể xuyên qua da và sọ não. Kỹ thuật này giúp tạo ra những thay đổi về sóng điện và chức năng của mạng lưới thần kinh, từ đó thúc đẩy quá trình phục hồi hoặc điều chỉnh hoạt động thần kinh, góp phần giảm triệu chứng đau đầu căng cơ.
Kích thích từ trường xuyên sọ giúp cải thiện chứng đau đầu căng cơ. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7
Ngồi đúng tư thế: Người thường xuyên ngồi nhiều như nhân viên văn phòng, công nhân, thợ may... nên duy trì tư thế ngồi đúng để góp phần giảm nguy cơ đau đầu gây căng cơ do sai tư thế. Tư thế ngồi đúng là đầu thẳng giữa hai vai, không quá cúi xuống, lưng thẳng không võng, mỗi 30 phút ngồi cần đứng lên đi lại một lần.
Kiểm soát cảm xúc, giảm căng thẳng: Áp lực, lo âu, suy nghĩ tiêu cực, tác động trực tiếp đến tinh thần, gây đau đầu căng cơ. Người bệnh nên giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái. Học cách thả lỏng, thư giãn hoặc để giảm căng thẳng hoặc đến gặp chuyên viên tâm lý khi cần.
Nghỉ ngơi khoa học: Người bệnh đau đầu căng thẳng nên chủ động phân bổ lịch làm việc, học tập, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc (7-8 giờ mỗi đêm) và ngủ trưa ngắn (15-20 phút).
Thường xuyên tập thể dục: Mỗi người nên thường xuyên vận động vừa sức hoặc tập luyện một số bộ môn như yoga, ngồi thiền, gym, chạy bộ, chạy xe đạp... Các hoạt động này giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, hỗ trợ điều trị hoặc phòng ngừa cơn đau đầu khi căng thẳng.
Massage, chườm nóng, lạnh: Khi đau đầu, người bệnh nên tạm ngưng sử dụng các thiết bị điện tử như laptop, tivi, điện thoại di động, ipad. Người bệnh có thể vỗ nhẹ vào vùng trán, massage hai bên thái dương, có thể chườm nóng hoặc lạnh để làm dịu những cơn đau nhức đầu căng cơ. Hít thở sâu đúng cách có tác dụng kích thích khả năng giải phóng endorphin trong cơ thể, giảm phản ứng căng thẳng, từ đó giảm đau.
Bác sĩ Thanh Thúy khuyến cáo người bệnh ăn uống đầy đủ, cân bằng các dưỡng chất như bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Tăng cường rau xanh và trái cây, uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày. Bổ sung các hoạt chất thiên nhiên từ blueberry (việt quất), ginkgo biloba (bạch quả) có tác dụng hỗ trợ điều hòa máu não, tăng cường dưỡng chất lên não, giảm đau đầu và mất ngủ. Tránh hút thuốc lá, không sử dụng rượu bia và các chất kích thích thần kinh.
Trường Giang
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp